Skip to main content

Mô hình nuôi lươn trong bể bùn

Nhận thấy con lươn ngoài tự nhiên dần khan hiếm, không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Trong khi đó, mô hình nuôi lươn cũng không khó, nguồn thức ăn sẵn có, ít bệnh tật, đầu ra thuận lợi… từ đó gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phụng ngụ ấp Trung An - xã Lê Trì đã đầu tư và thành công từ mô hình nuôi lươn trong bể bùn.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, lại có vốn kiến thức kinh nghiệm  nuôi lươn học hỏi từ ba của chị, từ đó niềm đam mê với con lươn cũng dần nảy sinh và chị tiếp tục đi tìm tòi kinh nghiệm ở những trại nuôi khác, sau đó lên mạng tìm hiểu thêm và quyết tâm khởi nghiệp từ mô hình nuôi lươn trong bể bùn.  Đầu năm 2019, tận dụng 3 bể xi măng sẵn có tại nhà, chị xây thêm 2 bể bạc để thả nuôi 4.000 con lươn giống. Mỗi bể nuôi có diện tích 5m2, trong lòng bể được lót bùn kín đáy bể, có ống thoát nước, bơm nước và trên mặt là ủ lớp lá làm nơi cho lươn trú ẩn. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Sau gần một năm chăm sóc, gia đình chị xuất bán với tổng thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận vài chục triệu đồng, nhận thấy được tiềm năng của mô hình này khá cao, nên chị tiếp tục đầu tư vốn xây dựng thêm 7 bể bạc nuôi vụ tiếp theo lên đến 12.000 con lươn giống, giá lươn thành phẩm chị bán cho thương lái thời điểm này khoảng 180ngàn/ kg, giúp gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng. Để hạn chế sản phẩm có nhiều cùng một thời điểm, chị đã chọn cách nuôi luân phiên cuốn chiếu, mỗi bể khi thu hoạch thường cách nhau 2 tháng.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian gần đây giá lươn giảm mạnh chỉ 100 ngàn đồng/kg bán cho thương lái, với giá lươn này thì người nuôi không mang lợi nhuận cao, nên chị thu hẹp lại diện tích nuôi chỉ 4.000 con giống. Theo chị, nghề nuôi lươn trong bùn dễ nuôi, ít bệnh tật, chủ yếu là bỏ công chăm sóc. Quan trọng là phải thường xuyên theo dõi lươn phát triển để có biện pháp cho ăn hợp lý. Trước khi cho ăn, cần phải thay nước, vừa làm cho môi trường nước không bị bẩn, phòng tránh bệnh cho lươn, vừa để lươn không ăn phải thức ăn đã cũ còn sót lại, mỗi ngày nên thay nước trong bể nuôi ít nhất 2 lần. Nguồn nước được lấy từ giếng khoan, đảm bảo an toàn cho lươn. Sau 30 phút thay nước, khi lươn đã ổn định thì mới cho vật nuôi ăn thức ăn để tránh bị sốc. Trao đổi với chị Phụng:

PV: Bể sau khi làm bể xong mình có cần xử lý trước khi thả lươn không

NV: chất bùn vào rắc vôi, chất thêm chà tre, phủ lên 1 lớp lá chuối hay lá dừa xong để 1 tuần lễ rồi mới thả lươn

PV: Mỗi ngày mình cho ăn mấy lần

NV: Cho ăn 1 lần vào buổi chiều, tới giờ là nó sẽ ra đợi sẵn

PV: Nuôi lươn có khó không

NV: Nói khó không khó mà dễ thì không dễ phải cần theo dõi, chứ không phải cho ăn là xong, thấy khác thường là kiểm tra, nếu bể nào có con không ăn nếu có lươn chết là xử lý liền

PV: Lợi thế giữa nuôi lươn có bùn và không bùn

NV: Nuối lươn có bùn lươn sẽ có màu đẹp hơn và lươn ít bệnh hơn

Thức ăn cho con lươn rất đa dạng, tùy vào các mốc sinh trưởng. Con lươn giống thường ăn trùn chỉ (một giống giun nước, thân nhỏ, thường dùng để nuôi cá vàng), đến tuổi trưởng thành cho ăn cám trộn ốc bươu vàng, cua, cá (ốc luộc lấy ruột say nhỏ) tỉ lệ 80% là thịt ốc, cua và cá 20% cám công nghiệp. Chị Phụng chia sẽ thêm về cách thuần lươn giống: “Lươn giống sau khi mua từ người dân đi siệt, đặt chúm về thì bước đầu tiên chị thuần lại, dưỡng thuốc khoảng 1 tuần, số còn sống thì tiếp tục thả vô bồn 2- 3 ngày cho nó ổn định rồi mới tập ăn thử. Khoảng 1,5 tháng thì phân cỡ lớn nhỏ và cho vào bể bùn nuôi.”

Bên cạnh đó, chị luôn chú trọng phòng trị các bệnh thường gặp ở lươn như sốt xuất huyết đường ruột, nấm, đi ngoài… bằng cách hòa kháng sinh khoát lên bề mặt bể. Sau 10 tháng, lươn thương phẩm đạt trọng lượng từ 200 gram/con, chị tiến hành xuất bán. Ở trại nuôi của chị có thương lái ở Long Xuyên đến tận nơi thu mua. Nhờ tuân thủ các bước chăm sóc nên năm nay chị xuất bán ra thị trường từ 800 kg lươn, với giá bán 100 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí cho chị thu lãi từ 30 - 35 triệu đồng, tuy nhiên với giá bán này gia đình chị chỉ lấy công làm lời nhưng với niềm đam mê thì chị vẫn tiếp tục theo đuổi nghề mà mình đã lựa chọn với hy vọng thị trường lươn dần ổn định để giúp người nông dân vươn lên phát triển kinh tế.

Với sự nhạy bén, kiên trì và quyết tâm khởi nghiệp làm giàu trên chính quê hương của mình, chị Phụng đã gặt hái được những kết quả từ mô hình nuôi lươn trong trong bể bùn. Hy vọng, trong thời gian tới, mô hình này sẽ ngày càng đạt năng suất và chất lượng cao, cung cấp ra thị trường những mặt hàng sạch và an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

 

Hồng Như